Nhắc đến địa danh Lầu Ông Hoàng, bạn sẽ nghĩ ngay đến câu chuyện tình yêu đẹp giữa Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm. Với câu chuyện dĩ vãng vàng son ấy, địa điểm này khiến nhiều bạn tò mò và tìm đến khi du lịch Phan Thiết. Hãy cùng
Lầu Ông Hoàng là một di tích tham quan nổi tiếng nằm trên một trong năm ngọn đồi đẹp ở phường Phú Hài, Phan Thiết, Bình Thuận. Nơi đây chỉ cách trung tâm Thành phố Phan Thiết chỉ 7km. Trên đoạn đường đến đây, bạn sẽ phải vượt qua một con dốc dài, khi đến gần hết dốc sẽ bắt gặp một bảng chỉ dẫn có ghi chữ "Di tích tháp Po Sah Inư" tức bạn đã tới Lầu Ông Hoàng. Trước khi đi, bạn có thể chuẩn bị một chút bánh rế Phan Thiết để vừa ngắm cảnh đẹp vừa thưởng thức đặc sản nơi đây.
Đây là một biệt thự do Ferdinand d'Orléans - Công tước De Montpensier và là cháu nội vua Louis-Philippe I của Pháp quyết định xây dựng. Lầu Ông Hoàng khởi công xây dựng vào ngày 21/2/1911 với quy mô 13 phòng và được trang bị đầy đủ tiện nghi. Do đó, nơi đây được xem là công trình hiện đại nhất tại Phan Thiết lúc bấy giờ.
Sở dĩ xuất phát của tên gọi Lầu Ông Hoàng là do cách gọi dân dã của người dân về sự sang trọng của vị công tước người Pháp sống tại đây vào những thập kỷ trước. Vào năm 1917, Lầu Ông Hoàng được Công tước De Montpensier bán lại cho một chủ khách sạn người Pháp tên là Prasetts. Sau này, vua Bảo Đại đã mua lại và khiến nơi này trở thành địa điểm tàn khốc khi phải chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh ác liệt của thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Kể từ đó trở đi, di tích Lầu Ông Hoàng không còn được chăm chút, tân trang nên dần trở nên xuống cấp.
Một điều đáng buồn hơn là di tích Lầu Ông Hoàng không được biết đến một cách tường tận và bị rất nhiều du khách nhầm lẫn với di tích tháp lô cốt của Pháp gần đấy.
2. Chứng nhân lịch sử
Sự tích lầu Ông Hoàng cũng ghi dấu lại trận đánh lịch sử giữa quân đội ta và Pháp. Quân Pháp đã xây dựng tại đây một hệ thống đồn bốt với nhiều bê tông cốt thép, lô cốt chắc chắn để điều khiển và khống chế khu vực thị xã Phan Thiết. Ngày 14/6/1947, tại đây đã diễn ra trận đánh lịch sử của tiểu đội thuộc đơn vị Hoàng Hoa Thám. Trận đánh là chiến thắng vẻ vang do đồng chí Nguyễn Minh Châu chỉ huy, đã tiêu diệt địch và thu giữ được rất nhiều súng, đạn các loại. Trong số đó có 1 súng trung liên Bren, 1 khẩu đại liên Vitke cùng vô vàn chiến lợi phẩm khác.
3. Từng là nơi hẹn hò của thi sĩ Hàn Mặc Tử và người yêu
Mãi cho đến vài chục năm sau, khi thi sĩ Hàn Mặc Tử đặt chân đến lầu Ông Hoàng để lại những vần thơ, những kỷ niệm tình yêu đẹp đẽ thì nơi này mới được nhiều người biết đến, một chuyện tình đẹp nhưng đầy trắc trở. Lầu Ông Hoàng ngày xưa từng là nơi Hàn Mặc Tử và người yêu đến hẹn hò, ngắm trăng.
Sau này, theo lời bà Mộng Cầm – nàng thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử kể lại, ngày hè năm đó, Hàn Mặc Tử vào Phan Thiết thăm bà. Bà đã đưa ông tới Lầu Ông Hoàng ngắm cảnh nhưng thật đáng tiếc, đó lại là lần cuối cùng hai người gặp nhau. Sau khi thăm người yêu, Hàn Mặc Tử quay lại Huế, vào Quy Nhơn sau đó điều trị bệnh phong ở Tuy Hoà cho đến khi mất.
Khi người ta nhắc lại câu chuyện tình lãng mạn năm xưa, họ lại nhớ về di tích Lầu Ông Hoàng. Nơi đây dường như cũng trở thành nỗi khắc khoải, thương nhớ da diết đến tận mãi sau này của người thi sĩ ấy. Chính vì vậy, nhà thơ Hàn Mặc Tử có rất nhiều bài thơ nói về nơi này, nổi tiếng nhất là bài “Phan Thiết !Phan Thiết!” với những áng thơ lạ kỳ, lời thơ thống thiết:
“…Rồi ngây dại nhờ thất tinh chỉ hướng
Ta lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết
Ôi trời ôi! là Phan Thiết! Phan Thiết!
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi
Ta đến nơi Nường ấy vắng lâu rồi
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ!”
Nhà thơ đã sử dụng hình ảnh tượng trưng để miêu tả tâm trạng và trải nghiệm của mình. Ông so sánh bản thân với chim phượng hoàng, bay qua nhiều miền trời để sau cùng rơi xuống một cù lao. Qua nhiều năm tu luyện, ông đã đạt được chánh quả và định hướng mình theo thất tinh để tìm kiếm một người thục nữ.
Hay trong bài hát “Hàn Mặc Tử” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng có những câu hát nhắc về địa danh này: “Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa. Lầu Ông Hoàng đó thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua”.
4. Những trải nghiệm thu hút tại lầu Ông Hoàng Phan Thiết
Mặc thời gian trôi đi, lầu Ông Hoàng vẫn sừng sững ở đó, luôn có sức hút đặc biệt bởi vẻ đẹp hấp dẫn và những trải nghiệm vô cùng thú vị thu hút khách du lịch từ khắp mọi nơi.
4.1. Check in bên di tích mang dấu ấn lịch sử, mối tình thi nhân
Trong lịch trình du lịch Phan Thiết 3 ngày 2 đêm, đừng quên check-in tại lầu Ông Hoàng, di tích mang dấu ấn lịch sử cũng là nơi chứng kiến chuyện tình tuy đẹp nhưng còn nhiều dang dở của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Đứng giữa khung cảnh thơ mộng, hoang sơ tại lầu Ông Hoàng, chắc chắn bạn có thể cho ra đời vô vàn bức hình sống ảo “nghìn like” cùng những góc chụp “thần thánh”. Toạ độ check-in ăn ảnh nhất tại đây chính là điểm giao nhau giữa mặt sau và mặt lưng của lầu, mặt chính diện với hàng cây um tùm, cây cô đơn vào mùa lá rụng hay bể nước vào mùa mưa.
4.2. Đón ánh bình minh đẹp mơ màng
Lầu Ông Hoàng là địa điểm lý tưởng để ngắm bình minh tuyệt đẹp. Khi ông mặt trời vẫn còn e ấp nhô lên mặt biển, sắc hồng cam rực rỡ của ngày mới ôm trọn toàn bộ không gian và tô điểm lên bức tường của lầu. Mọi cảnh vật đều toát lên vẻ bình yên, huyền ảo đến lạ kỳ. Được tận mắt chứng kiến khung cảnh này, lòng người bỗng cảm thấy xao xuyến, xốn xang đến lạ lùng.
4.3. Ngắm nhìn khung cảnh hoàng hôn thơ mộng
Nhiều du khách lại lựa chọn lầu Ông Hoàng là địa điểm ngắm khung cảnh hoàng hôn huyền diệu. Lúc này, mặt trời đỏ rực như hòn lửa chiếu những tia nắng yếu ớt cuối cùng trong ngày lên vạn vật rồi dần lặn xuống những dãy núi phía xa. Khi trăng lên, đặc biệt vào những ngày Rằm, ánh trăng bàng bạc treo trên đầu những ngọn cây khiến cảnh vật bỗng trở nên quyến rũ một cách ma mị. Cũng bởi vẻ đẹp hư ảo này mà thi sĩ Hàn Mặc Tử đã viết nên nhiều bài thơ dạt dào cảm xúc.